Vệ sinh thực phẩm – chuyện cũ chưa bao giờ hết “hot” ngày cận tết

Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đang cận kề, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu mua sắm của người dân về thực phẩm trong dịp Tết. Cùng với đó, an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng được hầu hết các địa phương đều quan tâm.

Hình người dùng thông thái
Lựa chọn thực phẩm an toàn mùa Tết luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người (Ảnh: Internet)

Thực phẩm bẩn – chuyện không của riêng ai

Có lẽ, chưa bao giờ việc đi chợ lại trở nên khó khăn với chị em nội trợ như hiện nay, khi mà đi đâu họ cũng nhìn thấy, nghe thấy những chuyện liên quan đến thực phẩm bẩn. Nào là thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp ure để bảo quản, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây ngâm hóa chất độc hại…

Mỗi lần cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm nhập lậu vào Việt Nam là thêm một lần người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin, thêm âu lo cho bữa ăn của gia đình mình.

Năm 2017, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vị phạm, chiếm 19.8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền phạt trên 61 tỷ đồng. Số vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng tăng dần theo từng năm. Qua đó có thể thấy tình trạng mất vệ sinh ATTP đã đến mức báo động đỏ trong đời sống của người dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe của cộng đồng.

Nỗi lo thực phẩm Tết

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, cũng là lúc hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn, thâm nhập vào thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng càng thêm lo cho bữa ăn của gia đình vì không biết tìm đâu nguồn thực phẩm chất lượng, tươi ngon.

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã đồng loại ra quân, kiểm tra vệ sinh ATTP dịp Tết Nguyên đán, kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào tiêu thụ tại các thành phố lớn trong dịp Tết.

Hình người dùng thông thái
Hãy là người tiêu dùng thông thái để lựa chọn được những thực phẩm tươi ngon nhất cho gia đình mình (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 hy vọng sẽ là liều thuốc đặc trị đối với các vụ vi phạm ATTP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, trong năm 2018, cần tăng cường các giải pháp phối hợp đồng bộ trong sản xuất sạch gắn với chương trình phối hợp Chính phủ đã ký với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để “xóa rau hai luống, lợn hai chuồng”. Cùng với đó, công tác quản lý thức ăn đường phố phải được thực hiện thường xuyên tránh tình trạng rộ lên một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Đồng thời, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đấu tranh với hành vi sản xuất rượu giả gây ra những vụ ngộ độc dẫn đến chết người thương tâm, siết chặt quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể tại những sự kiện tập trung đông người.

Những vụ ngộ độc thực phẩm là không thể tránh khỏi, nhưng cố gắng làm sao để hạn chế nhất có thể. Trên tất cả các mặt hàng, luôn cần có những biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Những nguồn nguyên liệu không rõ xuất xứ nguồn gốc cần được xử phạt nghiêm minh. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết về những vấn nạn khi sử dụng các chất kích thích, thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất đạm… để không sử dụng quá mức cần thiệt gây nguy hại đến sức khỏe. Tham khảo thêm bài viết “nên ăn bao nhiêu thịt mỗi ngày” để có một cái tết thực sự an toàn.

Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để đảm bảo ATTP còn cần sự chung tay góp sức của những người kinh doanh, người tiêu dùng. Hãy là những người tiêu dùng thông thái, tẩy chay thực phẩm bẩn, ưu tiên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Với các cơ sở kinh doanh, cần tuần thủ các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mọi người và cũng là cho cả chính mình.

Điểm: 4.5 (18 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn