Những Khác Biệt Trong Bữa Cơm 3 Miền

Văn hóa ẩm thực Việt trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, nhưng những giá trị tốt đẹp vẫn còn được gìn giữ và lưu truyền đến tận hôm nay, nhất là văn hóa dùng cơm gia đình của người Việt.

Ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, không chỉ đáp ứng nhu cầu tồn tại và duy trì sự sống, ăn uống còn là cách thể hiện văn hóa của dân tộc, quốc gia đó. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, bữa ăn gia đình đóng vai trò quan trọng, thể hiện tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Bữa cơm gia đình còn chứa đựng nhiều ý nghĩa và giá trị sâu xa mà chúng ta chưa tìm hiểu hết.

hình bữa cơm gia đình việt
Bữa cơm gia đình của người Việt mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên

1. Ý nghĩa bữa cơm gia đình Việt

Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý quan trọng, là sự thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên thông qua việc cùng nhau ăn cơm trò chuyện. Sau một ngày làm việc vất vả, ông bà, cha mẹ, con cái cùng quây quần bên mâm cơm nóng, dù đạm bạc hay sang trọng cũng đầy ắp tiếng cười.

Bao nhiêu năm trôi qua thì hình ảnh người mẹ, người vợ tất bật bên gian bếp nghi ngút khói, hương thơm của các món ăn theo gió thoang thoảng luôn là những hình ảnh khó quên trong ký ức của mỗi thành viên trong gia đình. Dù những món ăn không phải là mỹ vị nhưng chứa đựng sự chân tình và tấm lòng của người nấu.

Ngoài ra, bữa cơm gia đình còn là linh hồn của hạnh phúc, sự yêu thương, gắn bó và nuôi dưỡng tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Bữa cơm còn là nơi thể hiện nét đẹp văn hóa trong ẩm thực của người Việt.

2. Văn hóa dùng cơm của người Việt

Tại sao người Việt lại có cách gọi là mâm cơm gia đình? Vì từ ngày xưa, người Việt có thói quen dọn cơm vào mâm, tất cả món ăn được dọn chung trong một mâm và dọn cùng một lúc, khác với cách dùng cơm của người phương Tây là dùng từng món, khi nào thưởng thức hết mới dọn món tiếp theo. Trong mâm cơm của người Việt chủ yếu dùng đũa, cách cầm đũa sao cho khéo để gắp thức ăn không bị rơi vãi cũng cần cả quá trình học.

Trong bữa ăn của người Việt, thể hiện tinh thần “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng yêu thương dành cho người lớn tuổi, những phần thức ăn ngon, phần cơm mềm dẻo được mời ông bà, cha mẹ trước rồi mới đến con cái. Ngoài ra, trẻ em là đối tượng được ưu tiên trong bữa cơm gia đình, thể hiện sự yêu thương, bao bọc, che chở của các thành viên trong gia đình. Người Việt rất hiếu khách, đặc biệt là người miền Nam tính tính phóng khoáng, khách mời luôn được sắp xếp một vị trí ưu tiên khi được mời đến dùng cơm.

Nói về các món ăn, trong bữa cơm gia đình luôn có cơm trắng và chén nước chấm phù hợp với từng món ăn, còn lại là những món mặn, canh, xào, luộc. Thực đơn bữa cơm sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng vùng miền.

Cũng như Việt Nam, mỗi một quốc gia đều mang nét văn hóa ẩm thực riêng. Là một quốc gia đứng trong top 10 những nước nấu ngon nhất thế giới, Pháp luôn ấn tượng từ phong cách chế biến, tạo hình nghệ thuật cho đến việc ngồi ăn sao cho thoải mái đẹp mắt nhất, Trung Quốc thì độc đáo với nền văn hóa DimSum nhờ sự đóng góp của người Quảng Đông… Và đương nhiên, còn rất nhiều nền văn hóa ẩm thực khác mà chúng ta cần khám phá.

hình bữa cơm miền trung
Bữa cơm đặc trưng của người miền Trung

3. Sự khác biệt trong bữa cơm 3 miền

Các món ăn trong bữa cơm của người miền Bắc thường có vị vừa phải, không quá cay nồng hay quá béo ngọt. Đặc biệt, người miền Bắc rất chuộng vị chua. Ấy là vị chua thanh của trái me, trái sấu trong bát nước rau muống luộc, của cà chua chín ửng trong bát bún sườn, của mẻ chua trong nồi canh cá nấu dọc mùng. Có lẽ vì bản tính thâm trầm, kín đáo mà trong ẩm thực miền Bắc hương vị nào cũng dừng lại ở sự hài hòa, vừa đủ để đẩy đưa vị giác.

Nếu ẩm thực miền Bắc có sự nhẹ nhàng và tinh tế, thì ẩm thực miền Trung là sự đậm đà mạnh mẽ, người Trung có thói quen nêm gia vị đậm và cay nồng hơn. Nổi bật là mắm ruốc, mắm tôm chua, các loại nguyên liệu được sử dụng cũng phong phú và đa dạng hơn.

Khác với ẩm thực miền Bắc và miền Trung, khẩu vị của người miền Nam thiên về ngọt, cay và béo. Điều này được thể hiện rõ nét qua các món mắm cá sặc, mắm ba khía, hay những món ăn nấu cùng nước dừa như thịt kho trứng, cá kho thơm… Người miền Nam ưa thích các món ăn được chế biến từ hải sản đặc biệt là các loại cá.

Đó là một vài sự khác biệt căn bản trong bữa cơm ba miền. Nhưng cũng đủ để chúng ta có thể cảm nhận được sự ấm cúng, sum vầy của bữa cơm gia đình đơn giản xa xưa.

Nói tóm lại, dù là vùng miền nào thì văn hóa ẩm thực trong bữa cơm của người Việt được thể hiện thông qua cách giao tiếp, ứng xử của các thành viên trong gia đình.Trải qua nhiều biến động về lịch sử, kinh tế, xã hội nhưng ý nghĩa của bữa cơm gia đình vẫn giữ nguyên giá trị tinh thần và là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt.

Điểm: 5 (18 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn