Sá Sùng – linh hồn của nước dùng Trung Hoa

Chắc hẳn sẽ không ít bạn bất ngờ khi biết sá sùng, một nguyên liệu tưởng chừng đơn giản lại chính là linh hồn của những tô nước dùng đậm đà hương bị của ẩm thực Trung Hoa. Hãy cùng Bếp Gia Đình – Hướng Nghiệp Á Âu tìm hiểu về loại “gia vị” đặc biệt này qua bài viết sau đây nhé!

Nếu đã từng thưởng thức qua các món nước Trung Hoa như mì hoành thánh, hủ tiếu sườn non,… chắc hẳn bạn sẽ khó lòng quên được hương vị nước dùng thơm ngon, vô cùng khác lạ. Vị nước dùng ngọt thanh, đậm đà hương vị nhưng không quá gắt như khi sử dụng đường hay bột ngọt để chế biến. Mùi hương nước dùng Trung Hoa cũng rất đặc biệt, bên cạnh hương thơm nồng của xương hầm bạn còn cảm nhận được hương thơm thoang thoảng mang chút vị mặn của biển xen lẫn thảo mộc. Vậy bí quyết của người Trung Hoa là gì để có thể tạo nên phần nước dùng hấp dẫn như vậy? Hãy cùng Bếp Gia Đình khám phá bí mật này ngay trong ngày hôm nay nhé!

hình nước dùng
Nước dùng của người Hoa có hương vị đậm đà đặc trưng không lẫn vào đâu được

Sá sùng – Linh hồn của nước dùng Trung Hoa

Để tạo nên nước dùng thơm ngon thì không thể thiếu tay nghề của người đầu bếp. Nhưng để đạt được hương vị nước dùng đặc sắc, mang đậm “màu sắc” của ẩm thực Trung Hoa thì điều đầu tiên bạn cần chuẩn bị chính là sá sùng. Vậy sá sùng là gì mà lại có ảnh hưởng lớn như vậy với nước dùng Trung Hoa?

Sá sùng là một loại hải sản thân mềm sống ở những bãi cát ven biển, được tìm thấy nhiều nhất vào những ngày thủy triều lên. Sá sùng tươi với bề ngoài tựa như con giun trên mặt đất, dài và trơn thuôn khiến rất nhiều người hoảng sợ khi mới lần đầu nhìn thấy. Nhưng nếu đã thưởng thức qua, bạn sẽ không khỏi thích mê bởi vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng. Bên cạnh đó, sá sùng còn được xem là một bài thuốc tăng cường sức khỏe trong Đông Y rất được các vua chúa ngày xưa ưa dùng.

hình sá sùng
Sá sùng – linh hồn của nước dùng Trung Hoa (Ảnh internet)

Sá sùng tươi thường được dùng làm nguyên liệu để chế biến các món canh, món xào hoặc để nấu thuốc. Còn khi nấu nước dùng, người Trung Hoa lại ưa chuộng sử dụng sá sùng phơi khô hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng sá sùng khô để nấu nước dùng phải lưu ý về hàm lượng. Bởi nếu dùng quá nhiều sá sùng khi nấu sẽ khiến món ăn có vị mặn gắt.

Sá sùng – Vị ngon cho phở Việt

Theo ông Phồn – chủ thương hiệu phở nổi tiếng Cao Vân (Sài Gòn) chia sẻ, ngày ông còn theo chân anh trai đi bán phở bằng chiếc xe đẩy, nguyên liệu nấu nước dùng khi ấy không gì ngoài xương ống và sá sùng. Một nồi nước dùng phở gần 20 lít chỉ cần dùng từ 1 – 2 con sá sùng khô nhỏ là đủ khiến phần nước dùng trở nên đặc biệt và thu hút khách hàng.

Sá sùng cùng là nguyên liệu chính dùng để làm ngọt nước dùng phở truyền thống bên cạnh xương bò, xương ống heo tại các tỉnh miền Bắc. Ở nhiều nơi, mọi người còn kết hợp sá sùng và tôm khô để nấu nước thay cho phần xương ống. Nhưng ngày nay không còn nhiều người sử dụng sá sùng để làm nguyên liệu nấu nước dùng phở nữa. Bởi lẽ sá sùng ngày càng trở nên khan hiếm do đánh bắt quá nhiều dẫn đến giá thành đắt đỏ, khiến mọi người không còn mặn mà với việc dùng nguyên liệu này nữa.

Tại Việt Nam, tùy từng vùng miền mà có những tên gọi khác nhau. Người Vân Đồn tại Quảng Ninh thường gọi là MỒI, còn các vùng miền khác thì gọi là: chặt khoai, giun biển, bi bi, con cạp đất… Sá sùng cũng là một trong những món ăn đặc biệt vào ngày tết, bạn sẽ không còn phải phân vân quá nhiều khi đặt ra câu hỏi nhậu món gì ngày tết khi đã có MỒI trong thực đơn.

Hy vọng với những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu hơn về sá sùng – một loại “gia vị” nấu nước dùng không thể thiếu của người Trung Hoa.

Điểm: 4.1 (19 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn