Những Món Ăn Truyền Thống Ngày Tết Bạn Nhất Định Phải Nằm Lòng

Tết âm lịch hằng năm là khoảng thời gian để mọi người nghỉ ngơi, tận hưởng không khí gia đình ấm cúng. Để kì nghỉ thêm trọn vẹn, chắc chắn không thể thiếu những món ăn truyền thống ngày Tết. Hôm nay, hãy cùng Daubepgiadinh.vn điểm lại những món ăn ngon bạn nhất định phải có trong ngày Tết nhé!

Tết Nguyên Đán hằng năm là dịp để mọi người nghỉ ngơi, được trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình sau một khoảng thời gian dài bận rộn với công việc. Để cho dịp họp mặt trọn vẹn chắc chắn không thể thiếu những món ăn ngon, hấp dẫn để mọi người cùng nhau thưởng thức.

Những món ăn truyền thống ngày tết

Bánh chưng

bánh chưng bánh tét

Bánh chưng, bánh tét – món ăn không thể thiếu trong ngày Tết (Ảnh internet)

Bánh tét

Bánh chưng là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam, đặc biệt là đối với người dân xứ Bắc. Bánh ra đời gắn liền với câu chuyện ý nghĩa về việc vua Hùng truyền ngôi cho các hoàng tử. Với món quà dâng lên vua cha là chiếc bánh chưng vô cùng giản đơn nhưng mang ý nghĩa to lớn, hoàng tử Lang Liêu đã được vua cha truyền lại ngôi báu. Bánh chưng được chế biến từ các nguyên liệu quen thuộc gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt heo nhưng nhờ hương vị vừa gần gũi vừa hấp dẫn khiến bánh trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp Tết.

Bánh tét

Nếu bánh chưng là món ăn quan trọng trong ngày tết tại miền Bắc, thì bánh tét là món ăn được lòng người dân Nam bộ và Trung bộ. Bánh không rõ được xuất hiện từ lúc nào nhưng theo tương truyền vào mùa xuân năm 1789, khi vua Quang Trung cùng quân đội đang trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của giặc Thanh.

Lúc nghỉ ngơi, một người lính đã dâng lên vua chiếc bánh được làm từ gạo nếp, đậu xanh đơn giản từ người vợ quê nhà. Vua Quang Trung bèn lệnh cho quân lính học cách gói bánh và định vào dịp Tết sẽ dùng để ghi nhớ tình cảm thiêng liêng của gia đình.

Đó là đối với những người ăn mặn, đối với những người ăn chay thì sao? Những món ăn truyền thống ngày tết có vẻ sẽ không thích hợp với họ, nhưng nếu bạn biết cách thay đổi thực đơn hàng ngày thì chắc chắn bạn vẫn cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cho cơ thể.

Mứt dừa, mứt gừng

mứt gừng

Mứt gừng không chỉ ngon mà còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động (Ảnh internet)

Trong các loại mứt được dùng để thiết đãi khách ghé thăm dịp Tết, chắc chắn không thể không nói đến mứt dừa, mứt gừng. Đây là hai loại mứt hấp dẫn và được yêu thích nhất vào dịp Tết. Vì không chỉ ngon miệng, mứt dừa và mứt gừng còn kích thích hệ tiêu hóa, giúp giảm cảm giác nặng bụng do các món ăn nhiều dầu mỡ ngày Tết. Bên cạnh hai loại mứt trên, các loại mứt rau củ như mứt cà rốt, mứt khoai lang, mứt me… cũng rất được yêu thích và trở thành món ăn đặc trưng của nhiều gia đình trong dịp lễ này.

Ngoài những món ăn truyền thống ngày Tết chung của cả nước ở trên thì mỗi vùng miền lại có những món ngon đặc sắc riêng mà bạn nhất định phải nằm lòng. Cùng tìm hiểu rõ hơn bạn nhé!

Những món ăn ngày Tết miền Bắc

Thịt đông

Thịt đông là món ăn đặc trưng của người dân miền Bắc. Trong không khí se lạnh, món thịt đông trở nên thơm ngon và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Miếng thịt mềm thơm, thấm gia vị đậm đà, phần nước đông ngọt nhưng không ngấy, cho vào miệng là tan ngay đủ kích thích khiến bạn ăn mãi mà không muốn ngừng.

thịt đông

Món thịt đông không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết (Ảnh: Internet)

Nem rán

Một trong những món ăn ngày Tết miền Bắc không thể không kể đến là nem rán. Những miếng nem chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn tan hấp dẫn, phần nhân bên trong nào là thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm, mọng nước. Cứ thế mà chấm vào bát nước chấm đủ vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà.

Canh măng khô

Món canh măng khô làm trung hòa vị béo của các món thịt. Đây là lựa chọn của nhiều gia đình khi đã nạp quá nhiều thịt và món dầu mỡ trong các ngày Tết trước đó.

Canh bóng thả

Canh bóng thả không chỉ thơm ngon mà còn hấp dẫn bởi màu sắc đa dạng. Đó là đỏ của cà rốt, xanh bông cải và đậu Hà Lan, trắng trong của phần bóng bì, nâu sậm của nấm hương, vàng của chả cá… Tất cả đã khiến cho những ai thưởng thức thì cũng đã lỡ nghiện món ăn này.

Những món ngon ngày Tết miền Trung

Bánh tổ

Bánh tổ là sự kết hợp hoàn hảo của nếp, đường đen, gừng và mè. Tất cả đã tạo nên một hương vị đậm đà và quyến rũ. Vào mùa Tết hay các ngày rằm, món ăn này thường được làm nhiều để sử dụng dần trong khoảng thời gian dài.

Dưa món

dưa món

Dưa món đặc trưng của người miền Trung (Ảnh: Internet)

Nếu miền Bắc có món dưa hành, miền Nam có dưa củ kiệu tôm khô thì người miền Trung cũng có món dưa món để ăn kèm với bánh tét, thịt kho. Điểm nhấn của dưa món miền trung là món ăn được làm từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu… cùng hương vị chua mặn, giòn giòn kích thích vị giác.

Thịt heo ngâm nước mắm

Món ăn ngày Tết này được chế biến từ thịt heo luộc chín và nước mắm pha đường. Từng miếng thịt nạc xen mỡ ngập trong nước mắm đường, sau 3 ngày ngâm là có thể thưởng thức cùng rau sống rồi. Thịt giòn, thơm, đậm đà sẽ khiến bạn ăn mãi không ngán.

Nem chua

Khi khách đến nhà chơi ngày Tết, người miền Trung thường mời họ vài chung rượu nhâm nhi với mồi là món nem chua nướng thơm phức. Nem được làm từ thịt heo, sau khi tẩm ướp gia vị thì được gói lại trong lá ổi, để trong vài ngày là có thể thưởng thức.

Những món ngon ngày Tết miền Nam

Thịt kho tàu

món thịt kho tàu

Món thịt kho tàu thể hiện được sự tinh tế trong ẩm thực của người dân miền Nam. (Ảnh: Internet)

Một trong những món ngon ngày Tết miền Nam được nhiều người yêu thích là thịt kho tàu. Món thịt kho tàu thể hiện được sự tinh tế trong ẩm thực của người dân miền Nam. Bởi ngày Tết, khách khứa ghé thăm, để tiếp đãi món ăn ngon, bổ dưỡng và dễ ăn với mọi tất cả người, thịt kho tàu là hợp nhất.

Canh khổ qua nhồi thịt

Với người miền Nam, ăn canh khổ qua thể hiện mong ước cuộc sống sung túc, mọi khổ cực sẽ qua đi và bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn. Món ăn này có vị đắng nhưng quyện vào đó là vị ngọt của thịt, tạo thành món canh vừa bổ dưỡng vừa giải nhiệt.

Củ kiệu tôm khô

Đây là món ăn bình dị và dân dã nhưng quá trình chế biến tốn khá nhiều thời gian. Củ kiệu được làm sạch vỏ rồi ngâm muối cho chua từ khoảng 10 ngày trước Tết. Người miền Nam thường ăn kèm củ kiệu ngâm chua với một ít tôm khô để món ăn thêm đậm đà, thơm ngon. Hoặc củ kiệu ngâm chua còn dùng cùng với bánh chưng và bánh tét khá hấp dẫn.

Những món ăn truyền thống ngày Tết là một phần không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Hãy cùng gia đình vào bếp và chuẩn bị ngay từ hôm nay để thưởng thức được vị ngon của những món ăn ấy nhé.

Điểm: 4.7 (15 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn