Những loại mắm đặc biệt nhất của Việt Nam

Dải đất hình chữ S hiền hòa chạy dọc biển đã mang tới nguồn tài nguyên thủy hải sản dồi dào cho Việt Nam. Đi dọc đất nước, ta dễ dàng bắt gặp một món ăn chung tên gọi nhưng cũng là thứ đặc sản rất riêng của mỗi vùng miền: món mắm. Nói cách khác, hương vị món ăn Việt Nam không thể thiếu vị nồng nàn, đậm đà đặc trưng của các loại mắm.

Hãy cùng Bếp Gia Đình – Hướng Nghiệp Á Âu đi dọc 3 miền Bắc, Trung, Nam để khám phá các loại mắm đặc biệt nhất của Việt Nam.

Mắm tôm

Mắm tôm là đặc sản của miền Bắc, có mùi vị vô cùng đặc trưng. Mắm được làm từ tôm và muối ăn, qua quá trình lên men tạo nên loại mắm sền sệt màu nâu tím và mùi nồng đặc trưng đến nỗi “mùi mắm tôm” trở thành một từ thông dụng trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người.

Hình mắm tôm ngon
Mắm tôm

Mắm tôm có thể ăn sống như là một loại nước chấm, đánh với rượu trắng và nước cốt chanh để giảm mùi gắt. Mắm cũng có thể dùng với bún tươi, tạo thành món bún đậu mắm tôm ngon nổi tiếng hay gia tăng hương vị cho bún riêu, bún thang. Trong các món nấu, mắm tôm là loại gia vị không thể thiếu để nấu các món giả cầy và rựa mận.

Nhắc đến mắm tôm tôi chợt nhớ tới hình ảnh cùng đám bạn thời sinh viên, tụ tập đi bún đậu mắm tôm vào những ngày cuối tuần tại “vỉa hè phố”. Nơi diễn ra nhiều những cuộc khẩu chiến, những màn thách thức “Thua trả tiền, Thắng góp miệng”. Dù sao đó cũng là khoảng thời gian nhiều kỉ niệm đẹp nhất của chúng ta, hãy lưu dữ và chân trọng.

Ngoài bún đậu mắm tôm và vài liên tưởng tôi đưa ra ở trên, bạn có thể thao khảo thêm các món bún khác tại đây.

Mắm cáy

Nếu ai không chịu được mùi mắm tôm, thì chắc chắn còn phải hoảng hốt hơn nhiều với hương vị của mắm cáy. Mắm cáy được làm từ con cáy – một loại cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Mắm cáy có màu nửa xanh nửa nâu, vị nồng hơn mắm tôm rất nhiều. Nếu đã được thử qua một lần, không ít người phải công nhận mắm cáy không chỉ ngon mà còn rất dễ nghiện. Mắm cáy chấm rau khoai lang luộc là món ăn bình dị quen thuộc của người dân vùng duyên hải Bắc Bộ.

Mắm cái

Mắm cái còn được gọi là mắm nêm, là loại mắm được làm từ cá như mắm nước nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Nếu mắm nước lấy mắm từ nước chắt ra ở thân cá và muối thì mắm cái sử dụng cả xác cá. Sau quá trình ướp muối, lên men, cá được trộn với một số phụ liệu như thơm, thính, đường, tỏi ớt băm… để tạo hương vị đặc trưng.

Hình mắm cái
Mắm cái dạng xay nhuyễn

Mắm cái thường có hai dạng: dạng nguyên con (cá cơm, cá sơn đỏ…) và dạng xay nhuyễn (cá trích, cá nục, cá liệt…). Đây là loại nước chấm đặc trưng của miền Trung Việt Nam.

Mắm nhum

Mắm nhum là một trong những đặc sản thú vị của Bình Định, tuy nhiên do độ khó của nguyên liệu cùng cách chế biến, chỉ những người sành ăn hay dân địa phương mới biết tên hay có dịp thưởng thức món ăn này.

Cách “ủ” mắm như sau: Nhum đen bắt về, rửa sơ, cắt một một vòng nhỏ trên đầu rồi khoét lấy ruột, ủ cùng gia vị. Mắm nhum ngon là loại mắm có màu vàng đẹp cùng hương thơm đặc trưng.

Mắm mực

Có cách chế biến khá đơn giản, song mắm mực được liệt vào danh sách những món mắm chỉ dành đãi người quen. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc loại mắm mực này chỉ có thể làm được từ những con mực còn tươi nguyên. Điều này khá khó khăn bởi những tàu đánh bắt mực thường đi dài ngày nên khi thuyền cập bến, mực không còn đủ độ tươi để làm mắm. Điều đó đồng nghĩa với việc món mắm này phải được ngư dân chế biến ngay trên tàu. Bù lại, hầu như thực khách nào có dịp thưởng thức điều không thể cưỡng lại hương thơm, vị ngon của món mắm có màu đen đặc trưng này.

Mắm ba khía

Ba khía là một loài cùng họ cua, đặc trưng ở vùng Tây Nam Bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên là ba khía. Mỗi năm ba khía chỉ tập trung một lần vào 3 – 4 đêm của tháng 10. Mắm ba khía thường ăn cơm kèm khế chua, gừng và rau thơm.

Mắm bò hóc

Hình mắm ba khía
Mắm ba khía (Ảnh: Internet)

Mắm bò hóc (pohook) được làm từ các loại cá rô, cá sặt, cá lóc… là một trong những món mắm đặc trưng của người Khmer. Tuy vậy, ngày nay nó có mặt hầu khắp các gia đình ở Sóc Trăng, Trà Vinh… Mắm pohook có thể ăn cùng cơm trắng song cũng có thể kết hợp với hàng trăm nguyên liệu khác để tạo ra các món ăn khác nhau.

Quả thật, với sự đa dạng các loại mắm đã thể hiện niềm tự hào trong ẩm thực Việt, không phải quốc gia nào có cá và muối biển đều có thể làm được. Nước mắm thân thuộc với cuộc sống hằng ngày của người Việt, nó đã làm cho những người Việt xa xứ luôn nhớ đến quê hương, và làm cho những ai đã quen, thì sẽ không bao giờ quên được hương vị độc đáo ấy.

Điểm: 5 (18 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn