Bạn có hiểu hết ý nghĩa của món canh chua quen thuộc

Không biết có phải do vị chua dễ nếm được mà người ta đơn giản dùng hai từ canh chua để nói về món ăn này hay không?

Nhắc đến ẩm thực Việt, người ta thường nhớ tới Phở là món ăn quốc hồn quốc túy và mang tính đại diện cho quốc gia. Song sẽ thật thiếu sót nếu chỉ chọn duy nhất món Phở để thay mặt cho văn hóa ẩm thực nước nhà. Bên cạnh món Phở quá quen thuộc, ẩm thực Việt Nam còn có rất nhiều đại diện xuất sắc và một trong số đó chính là canh chua.

hình món canh chua
Món canh chua quen thuộc, bình dị nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc

Lý do daubepgiadinh.vn chọn canh chua bởi vì không có món ăn nào lại gói gọn trong mình đủ vị chua – cay – mặn – ngọt đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Cũng không có món ăn nào lại đầy đủ ba phiên bản Bắc – Trung – Nam vừa tương đồng, vừa khác biệt với những đường nét tạo màu sắc rất riêng cho từng vùng miền. Tuy chỉ được làm từ những nguyên liệu đơn giản, quen thuộc trong nhà bếp của nhiều gia đình, nhưng món canh chua qua bàn tay khéo léo của người Đầu Bếp luôn có một vị trí nhất định trong văn hóa ẩm thực Việt. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi về ý nghĩa món ăn này nhé.

Canh chua thanh nhã miền Bắc

Đúng với tính chất nhẹ nhàng và thanh tao từ bao đời nay của đất kinh kì, món canh chua phiên bản miền Bắc có đặc trưng là vị chua thanh thanh, hương thơm dịu nhẹ, rất chừng mực mà cũng thật tinh tế. Người miền Bắc chuộng loại quả mùa hè như sấu để tạo vị chua cho món ăn này. Đến khi những trái sấu cuối cùng của mùa hè được xếp gọn gàng trong lọ để thành nước uống giải khát thì những người mẹ miền Bắc đảm đang vẫn nấu được bát canh chua từ mẻ. Người miền Bắc chọn các loại cá sông ngon lành tươi mát, đặc biệt là cá diêu hồng hoặc tép nhỏ để nấu canh chua.

Chan chát canh chua miền Trung

Nếu miền Bắc lấy cái chua dịu dàng làm quyến luyến thực khách thì canh chua miền Trung với vị chua – chát rõ nét cũng làm nên ấn tượng khó phai cho người thưởng thức. Vị chua lúc này thường được dùng từ trái cây, mà đặc biệt là khế. Khế còn xanh xanh có cái chát thoang thoảng, đi cùng rau răm với cái chát rất đằm tạo nên một loại gia vị “có một không hai” cho tô canh chua miền Trung.

Vì đa số các tỉnh miền Trung điều giáp biển nên có thể tận dụng hải sản để nấu canh như một thói quen giản dị mà thân thương. Cũng bởi thường xuyên nấu cùng hải sản mà canh chua nơi đây đã dần hình thành hỗn hợp hương vị chua – chát để át đi mùi tanh cá tôm.

Hương sắc đủ đầy trong tô canh chua cá miền Nam

hình canh chua miền nam
Tô canh chua miền Nam đủ đầy hương sắc

Nếu so với miền Bắc và miền Trung, canh chua miền Nam là loại nổi tiếng và phổ biến nhất. Điểm đặc biệt của canh chua miền Nam là không thể thiếu me, loại rau gì cũng được miễn là phải có me. Chỉ cần giữ nguyên cái vị chua dịu dàng của me thì từ cá lóc, rau muống, bạc hà, khóm, rau nhút… đều có thể tạo ra một tác phẩm ẩm thực tuyệt vời.

Sự hòa quyện âm dương tinh tế trong món canh chua bình dị

Càng thưởng thức các món canh chua quen thuộc của người Việt ở ba miền, người ta càng thấm thía hơn sự hòa quyện âm dương tinh tế của chính mình. Dù là nấu theo kiểu nào, vị chua có ngọt thanh, ngọt gắt hay ngọt dịu thì một tô canh chua hoàn hảo cũng là sự kết hợp ăn ý của 3 nguyên liệu (thịt/cá – rau/cà – rau thơm) và 3 vị chua – mặn – ngọt. Cứ vậy, mỗi cách nấu lại mang sự quyến rũ riêng đầy kích thích để người ta hiểu hơn về một vùng đất, như cách họ chọn gia vị, chọn hương liệu và chọn cách nêm cho món ăn dễ rung động lòng người như canh chua Việt.

Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ thêm yêu món canh chua hơn và thường xuyên chuẩn bị cho những người thân yêu của mình thưởng thức nhé!

Điểm: 3.92 (23 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn