Cơm quê – thứ luôn làm người ta “chết thèm”

Trong bữa cơm nhà tôi, ngày nắng thì có tô canh rau tạp tàng, trời mưa có nồi cá kho hoặc món khô nướng thơm phức bên cạnh nồi cơm nóng hổi nghi ngút khói. Trong bữa ăn chúng tôi còn được ba mẹ chỉ dạy cho biết bao điều hay trong cuộc sống.

Thời gian trôi qua, ai rồi cũng trưởng thành, cũng có những lần phải sống xa nhà, xa quê. Những lúc đi xa ấy, điều khiến tôi thấy nhớ thật nhiều chính là những bữa cơm quê quây quần bên chiếc mâm nhôm có cà pháo, mắm tôm, hay món rau càng cua giòn mát hái từ vườn nhà ngoại…. Tôi vẫn còn nhớ mình từng rất thích lăng xăng nơi góc vườn nhỏ có mấy khóm lá lốt lúc nào cũng xanh mướt mát. Tôi yêu cái mùi hăng hăng của lá lốt một thì yêu hương vị của món chả lá lốt rán vàng, thơm ngậy những mười. Cũng thật khó quên mùi nước mắm quyện lẫn tóp mỡ sực nức căn bếp khi mẹ làm kho quẹt, tôi thường quẩn quanh bên mẹ, nhón tay bốc lấy một chú tôm nõn trước khi mẹ đổ chung vào nồi.

Hình bữa cơm đơn giản
Bữa cơm đơn giản nhưng khiến ai cũng bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ đến (Ảnh: Internet)

Bữa cơm quê tôi ngày ấy không có bóng dáng sơn hào hải vị, nhưng chẳng hiểu vì sao vẫn thơm ngon lạ lùng, vẫn là thứ luôn làm người ta “chết thèm” mỗi khi nhớ đến. Ừ thì cũng là thịt cá, tôm tép được bày bán ở các chợ quê, cũng là tô canh với mớ rau hái vội sau vườn, nhưng mọi thứ cứ in sâu trong ký ức tuổi thơ: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.

Khi mà cuộc sống ngày càng phát triển, mỗi người mỗi công việc, giờ giấc khác nhau, vậy mà vẫn cố gắng có mặt trong bữa ăn tối cùng gia đình là điều rất đáng trân trọng. Người về trước, kẻ ở nhà dằn cơn đói, ráng đợi một chút để cả gia đình có thể cầm đũa dùng cơm cùng một lúc. Có thể nói, việc đợi chờ nhau trong bữa cơm không đơn giản là chuyện ăn uống mà còn là nề nếp của mỗi gia đình, là sẻ chia những giây phút sum họp sau một ngày lao động vất vả.

Hình bữa cơm đơn giản
Trong tâm trí của nhiều người, cơm nhà mẹ nấu luôn là ngon nhất (Ảnh: Internet)

Để bữa ăn thêm phần ý nghĩa, tùy theo khả năng và sức lực của mỗi người mà ai cũng có thể góp sức cho bữa cơm gia đình thêm tươm tất, trọn vẹn. Ba thì giúp nhặt rau, chặt xương, chị gái giúp dọn thức ăn, mấy đứa em trai phụ dọn mâm, xếp chén… để rồi ai cũng thấy ăn ngon miệng và vui hơn khi nhận ra trong bữa cơm cũng có phần góp sức của riêng mình.

Là một người nội trợ chính hiệu, mẹ tôi để ý lưu tâm để có thể chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị của từng thành viên. Thực đơn mỗi ngày cũng được thay đổi liên tục tùy theo thời tiết, lẫn sở thích của từng người. Những hôm trái gió, trở trời trên mâm cơm thường có thêm tô cháo lá tía tô bốc khói thơm lừng dành riêng cho những ai đang sụt sùi ho cảm… Và trong những bữa cơm ấy còn thể hiện nhu cầu tinh thần của mỗi người là được đáp ứng, quan tâm từ những thành viên khác. Tôi nhớ lúc đó, ba mẹ bàn tính ở bữa cơm chuyện mùa màng, lúa thóc, mấy chị em tôi giành nhau khoe thành tích thi cử, học hành ở lớp và có cả những chuyện thời sự từ đầu trên cho tới xóm dưới…

Bữa cơm cũng là khoảng thời gian ba mẹ chỉ dạy cho chúng tôi phải biết học ăn học nói, học gói học mở, kính trên – nhường dưới, ăn trông nồi – ngồi trông hướng… Đó là cách giáo dục thiết thực về nhân cách, về lối sống tương thân tương ái từ gia đình cho đến cộng đồng, xã hội.

Trong những chuyến đi của cuộc đời, tôi vẫn luôn tin và yêu sự trở về. Bởi vì tôi nghĩ rằng trong những chuyến trở về ấy, mình mang theo rất nhiều yêu thương, cả những cay đắng, ngọt bùi mà cuộc đời đã ban tặng. Và với bằng ấy thứ mang theo, thường thì con người ta trở về cùng với sự bình yên, cùng với những tình yêu thực sự còn sót lại. Hạnh phúc luôn đến từ những điều bình dị, nếu nghĩ rằng cuộc đời là những cơn mộng mơ rất dài, thì những chuyến đi trở về chính là sự bình yên, là cái đích cuối cùng mà tất cả chúng ta mong muốn.

Giữa bao bộn bề của cuộc sống, cho dù là những bữa ăn vội vã nơi hàng quán hoặc những bữa tiệc sang trọng trong nhà hàng cũng chẳng thể làm phai mờ hình ảnh bình dị thân thương, yêu dấu của những bữa cơm quê nhà, cho dù ta có ngược xuôi nơi đâu: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.

Điểm: 4.29 (18 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn