Khó có thứ mùi nào vương vấn như mùi khói bếp tỏa ra mỗi ráng chiều, khó có mùi vị nào ngon như mùi vị của bữa cơm nhà mẹ nấu. Ngày nay, người ta dùng bếp gas, bếp điện nhiều, bếp củi vì thế mà cũng cũ kĩ dần đi. Nhưng trong tâm hồn những người từng yêu bếp củi, chúng vẫn luôn mới mẻ, ấm áp như ngày nào.
Ngày xưa, người người, nhà nhà dùng bếp củi để nấu nướng. Một phần là vì không có các thiết bị hiện đại như bây giờ, phần khác là vì củi luôn có sẵn. Chỉ cần dạo vài vòng ngoài vườn là đã có thể có củi, rơm chất đầy bếp nấu. Đó là những bước chân kiếm tìm thật đẹp, thật dân dã biết bao!
Bếp củi – vô vàn điều đáng yêu
Vì bếp củi mà căn bếp lúc nào cũng ám mùi khói, mùi than, mùi tro bếp. Vì bếp củi mà mắt mẹ thường cay xè mỗi khi thổi lửa. Nhưng cũng vì bếp củi mà cơm dường như ngon hơn. Những miếng cơm cháy ở đáy nồi giòn rụm, vàng ươm, là món quà cho bất kì đứa trẻ nào.
Ở trong bếp củi, người ta dễ dàng nướng khoai, nướng sắn. Người ta cũng tận dụng tro bếp để bón cây, tận dụng than để cho trẻ em làm phấn đen vẽ… Trong căn bếp củi, thứ gì cũng có thể dùng, thứ gì cũng có thể làm nên một điều gì đó thật đáng yêu và gần gũi.
Không như bếp gas, bếp điện chỉ cần bật hoặc nhấn nút là xong. Bếp củi đòi hỏi và rèn luyện cho con người ta sự kiên nhẫn nhiều hơn thế. Bạn phải biết mồi lửa, biết giữ lửa và biết canh lửa sao cho lửa cháy nhỏ, cháy to cần thiết. Bếp gas, bếp điện có thể điều chỉnh dễ dàng, còn bếp củi thì cần khéo léo hơn rất nhiều để giữ nhiệt phù hợp. Có lẽ vì thế mà cái từ “giữ lửa” đúng nhất với bếp củi, thân thương nhất với bếp củi.
Ở trong bếp củi, con người ta học được sự kiên nhẫn, trầm lắng. Trẻ con học được cách mẹ nấu một bữa ăn là không hề dễ dàng. Người cha, người mẹ cũng có thể dạy cho con mình rất nhiều điều bổ ích, nào là cách canh cho cơm chín mà không bị khê, cách kho cá ngon, cách nhóm bếp, cách giữ làm sao cho căn bếp luôn được an toàn và sạch sẽ…
Cuộc sống tiện lợi hơn rất nhiều khi có bếp gas, bếp điện. Nhưng có những người cứ yêu mến mãi bếp củi. Có cơ hội về quê, về làng là họ lại lôi bếp củi ra nấu để nghe chút khói, chút nồng, chút tí tách của lửa nổ lép bép, nghe vừa vui tai, vừa quá đỗi mộc mạc, yên bình.
Nhắc tới bếp củi là bao dòng cảm xúc hiện về. Tôi nhớ nồi cá kho của mẹ, nhớ dáng mẹ tôi hao gầy, với khuôn mặt khắc khổ mang nhiều ưu tư. Quê tôi nghèo nàn, với những con mương dài thật dài, chạy quanh khắp ngôi làng nhỏ để nuôi dưỡng những cánh đồng quê hương. Nhưng ở nơi đây, là những con người chân thật, chất phác với tình yêu thương vô bờ bến. Giờ đây ở thành phố náo nhiệt, sự bộn bề mệt mỏi tôi lại nghĩ đến thời xa xưa vào bao sự yên bình, lắng đọng.
Bếp củi làm cho món ăn có cảm giác ngon hơn
Nhiều người thích dùng bếp củi, bếp than để nấu nướng vì đối với họ món ăn sẽ ngon hơn nhiều nếu được qua củi lửa. Nồi cơm dường như thơm hơn khi có mùi gỗ, mùi tre, mùi rơm… Nồi cá kho làng Vũ Đại cũng sẽ chỉ ngon nếu như được nấu bằng thứ củi nhãn đượm hương ngọt ngào.
Bếp gas, bếp điện không có mùi thơm của rơm củi. Thứ nguyên liệu đó phải lớn lên từ đất trời, khô dần, quyện cùng gió, mưa, nắng để rồi đem vào đun nấu, nghe khói tỏa ra cũng đủ thấy thơm nồng nàn. Nhìn làn khói quyện trong cái tối trời của một vùng quê cũng đủ thấy ấm áp, bình yên biết bao.
Món ăn từ bếp củi ngon còn một phần là vì người ta đã bỏ không ít công sức để nấu nướng. Được nếm những món thật đậm đà sau một khoảng thời gian vất vả nấu thì thật thỏa đáng.
Trong kí ức của nhiều người, bếp củi vẫn là một điều gì đó thật thân yêu, thật ấm áp và đã từng cho họ thật nhiều món ngon. Dù có dùng rất nhiều loại bếp tiện lợi, hiện đại thì bếp củi vẫn là món quà thuở thơ ấu mà nhiều đứa trẻ mong ngóng, chờ đợi một bữa ăn ngon. Đó thật sự là một mảng màu đẹp và ấn tượng trong tâm trí của rất nhiều người con quê!
Ý kiến của bạn