Với người Việt, ý nghĩa bữa cơm gia đình mà đặc biệt là ngày Tết là vô cùng to lớn. Đây là lúc người thân tụ họp, sum vầy cùng chia sẻ niềm vui chào đón năm mới. Với những người con xa xứ, bữa cơm gia đình ngày Tết càng có ý nghĩa thiêng liêng.
Bữa cơm gia đình – lý do để chúng ta trở về nhà mỗi dịp tết
Bữa cơm ngày Tết của người Việt có thể nói là bữa cơm hạnh phúc và ấm cúng nhất sau một năm bôn ba, nhất là đối với những người con xa xứ. Từ lâu, bữa cơm ngày Tết đã trở thành bữa cơm đoàn viên, là dịp mà ông bà, cha mẹ, con cháu cùng quây quần bên mâm cơm gia đình ấm áp.
Bữa cơm gia đình ấm áp ngày Tết đoàn viên
Chắc hẳn bạn cũng biết rằng, mỗi năm cứ đến dịp Tết đến Xuân về là lòng mỗi người đều trào dâng những cảm xúc khó tả, có thể là vui mừng, có thể là lo lắng với những bộn bề lo toan nhưng chung quy ai cũng mong muốn được đoàn tụ với gia đình, cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên – đây cũng là lý do lớn nhất để chúng ta trở về nhà mỗi dịp Tết.
Ý nghĩa của bữa cơm gia đình ngày Tết
Bữa cơm ngày Tết không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình có dịp ngồi lại với nhau. Đó là còn bữa cơm mang giá trị tinh thần và nhân văn vô cùng sâu sắc. Người Việt rất coi trọng bữa cơm chiều 30 Tết, bữa cơm đoàn viên cuối cùng của năm cũ, khoảnh khắc đáng trân trọng nhất trong cả năm dài.
Bữa cơm gia đình ngày Tết của người Việt mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc (Ảnh: Internet)
Mọi thành viên trong gia đình dù là đang ở đâu, có bận rộn gì đi chăng nữa, tới ngày 29 Tết cũng sẽ cố gắng về tụ họp với gia đình. Mâm cơm ngày Tết dù đơn sơ hay đủ đầy vẫn đặc biệt theo cách riêng của từng gia đình. Bởi đây không chỉ là khoảng thời gian cả nhà quây quần bên nhau, mà còn là lúc mỗi người có thể cởi mở, chia sẻ với nhau bao niềm vui, nỗi buồn, khó khăn trong một năm qua và cùng gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới.
Với nhiều người, cả năm có thể không vào bếp, nhưng ngày Tết sẽ cùng mẹ đi chợ, chăm chút cho những món ăn khoái khẩu của cả gia đình. Bởi vậy mà có những món ăn, người ta chỉ cần ăn một lần trong năm, nhưng nhất định phải ăn vào dịp Tết. Đó là những món ăn đã trở thành kỷ niệm, là sợi dây gắn kết tất cả các thành viên trong gia đình.
Những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết
Có thể thấy rằng, dù có thiếu thốn cỡ nào thì người người, nhà nhà đều cố gắng chuẩn bị một mâm cơm ngày Tết đủ đầy để cầu mong năm mới được no đủ, sum vầy hơn nữa. Tùy vào phong tục của từng vùng miền, bữa cơm ngày Tết của mỗi gia đình sẽ rất khác. Song nhìn chung, không thể thiếu các món ăn quen thuộc như bánh chưng, bánh tét, thịt đông, giò thủ, gà luộc, xôi đậu, dưa hành, chả lụa, cảnh khổ qua dồn thịt…
Bánh chưng – món bánh quen thuộc không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết
Mâm cơm ngày Tết luôn thịnh soạn hơn bình thường vì… Tết mà. Ngày thường có đơn giản, thiếu thốn như thế nào, nhưng Tết thì phải đủ đầy, trước hết để thể hiện lòng thành kính dâng cúng ông bà tổ tiên, sau đó là để gia đình cùng quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn cả nhà cùng ưa thích. Đối với những người con xa quê, Tết là những ngày như được bé lại trong tình yêu của cha mẹ, được đòi mẹ nấu cho những món ăn mình thích. Vì dù có bao nhiêu tuổi, đối với cha mẹ, con cái vẫn luôn nhỏ bé, cần được che chở yêu thương.
Bạn đã từng nghe nói rằng nhà hàng tuyệt vời nhất chính là nhà mình? Khi chúng ta tha hương khắp mọi miền Tổ Quốc, trong sâu thẳm đáy lòng của mỗi người họ luôn hướng về quê hương, hướng về nơi chôn rau cắt rốn của mình, gia đình luôn trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Họ khao khát những bữa cơm gia đình có đông đủ thành viên để cùng trò truyện, sẻ chia.
Đó cũng chính là lý do vì sao mà bữa cơm ngày Tết đã để lại nhiều cảm xúc khó quên trong mỗi người con đất Việt. Mâm cơm ngày Tết là một bữa cơm đặc biệt, là nơi chúng ta đều hướng về, là tình thân và là những lời chúc tốt đẹp cho một năm:
“Vạn sự như ý
An khang thịnh vượng…”
Vậy là chúng ta sắp tạm biệt một năm cũ để chào đón một năm mới, cho dù thế nào bạn hãy cố gắng sắp xếp để về nhà ăn cơm cùng gia đình, bạn nhé.
Ý kiến của bạn