Khi nào thì nên dạy con việc bếp núc

Vì lý do an toàn cho bé mà có không ít bậc phụ huynh luôn xem nhà bếp là khi vực cấm địa, các bé không được tự ý vào. Bất kể là vì nguyên nhân gì, mỗi lần bé bước vô nhà bếp đều sẽ bị ba mẹ “đuổi khéo” để tránh xảy ra các sự cố ngoài ý muốn. Nhưng liệu suy nghĩ này có đúng không? Liệu việc cho bé vào bếp học nấu nướng sẽ khiến bé gặp nguy hiểm?

“Trong bếp dầu mỡ lắm, con đi ra ngoài trước chơi đi”, “Đừng đụng vô dao con, coi chừng đứt tay đó”, “Đừng nghịch rau của mẹ nữa, rau nát bây giờ”,…. Đây là những câu nói quen thuộc của các bậc phụ huynh mỗi khi bé bước vào bếp. Ngoài các hiểm họa khó lường trong phòng bếp, nhiều cha mẹ cũng sợ tính cách hiếu động của các bé khiến bạn vướng bận và khó lòng vừa nấu nướng vừa chăm sóc, bảo vệ bé. Bên cạnh đó, với tư tưởng bé chỉ cần tập trung vào việc học và phát triển các bộ mộn nghệ thuật, thể thao như đàn, vẽ tranh, chơi bóng,… mà nhiều phụ huynh không khuyến khích, đôi khi là nghiêm cấm con mình bước vào bếp. Tuy nhiên suy nghĩ nhà bếp là nơi nguy hiểm, việc bếp núc không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ nhỏ liệu có hoàn toàn đúng?

hình nhà bếp
Nhà bếp liệu có phải là một nơi nguy hiểm đối với bé?

Thực tế, việc hướng dẫn bé cùng vào bếp, phụ giúp ba mẹ hoàn thành công việc nấu nướng không chỉ không gây nguy hiểm mà còn góp phần giúp bé phát triển toàn diện. Bởi vì thông qua công việc bếp núc, bé sẽ được tập làm quen dần với việc phụ giúp ba mẹ, tham gia các hoạt động nhóm, hiểu biết về thế giới hơn. Đặc biệt, với những thời gian gắn bó của cả nhà khi tham gia nấu nướng cùng nhau sẽ dạy bé độc lập, biết san sẻ công việc và hiểu rõ hơn về những vất vả của người lớn. Nhờ đó, bé sẽ học được cách cảm thông, học được cách chia sẻ và học được cách tự mình chủ động giúp đỡ mọi người để san sẻ công việc. Tham gia vào nấu nướng cũng là một giờ học thú vị, giúp bé phát triển hơn đức tính tỉ mỉ, cẩn trọng và khéo tay qua những việc đơn giản như nhặt rau, bào vỏ, tạo hình rau củ, cuốn chả giò,…

Vậy thời điểm nào là thích hợp để dạy con việc bếp núc? Nhiều ý kiến cho rằng bé nên bắt đầu tập làm quen với công việc nấu nướng đơn giản ngay từ 4 – 5 tuổi. Nhưng nhiều bậc phụ huynh lại không đồng ý, cho rằng thời điểm này bé quá nhỏ, hay hiếu động và chưa nhận thức được nguy hiểm. Như vậy thì có quá mạo hiểm khi cho bé vào bếp mà không thể lường trước được các nguy hiểm không?

hình lớp học nấu ăn
Đã có rất nhiều bé được ba mẹ gửi đến các lớp học nấu ăn gia đình để học việc bếp núc

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy thử tìm hiểu về cách giáo dục trẻ nhỏ của người Nhật Bản. Với một quốc gia luôn chú trọng vào yếu tố con người, vào giáo dục trẻ nhỏ thì họ lựa chọn như thế nào? Hầu hết các gia đình Nhật đều khích lệ con mình vào bếp giúp đỡ ba mẹ mỗi khi rảnh rỗi. Đặc biệt, nhiều mẹ Nhật đã bắt đầu cho bé làm quen với công việc này ngay từ khi 4 – 5 tuổi. Các bé những buổi đầu chỉ được phân công việc nhẹ nhàng như dọn chén đũa, sắp bàn cơm hoặc quan sát ba mẹ sơ chế nguyên liệu. Sau khi bé đã quen với các vị trí nhà bếp, được hướng dẫn những nguy hiểm trong gian bếp thì bé sẽ được phân công nhiêm vụ quan trọng hơn như nhặt rau, gọt rau củ (bằng các dụng cụ không gây thương tích),….

Không chỉ tại nhà, mà trẻ nhỏ tại Nhật ngay cả khi đi nhà trẻ cũng được dành một khoảng thời gian trong ngày để cùng nhau xuống bếp và học việc bếp núc. Đây được xem như một giờ học và là nghĩa vụ của bất kì một em nhỏ nào. Các bé lớn sẽ chịu trách nhiệm công việc lớn hơn, các bé nhỏ lại được phân công những nhiệm vụ đơn giản như xếp đồ ăn, dọn chén bát cho các bạn khác,…. Chính nhờ những công việc bếp núc đơn giản mà trẻ em Nhật học được cách tự lập, làm việc nhóm, biết lắng nghe và có trách nhiệm hơn. Ngoài việc giáo dục đức tính tốt ở con, việc dạy bé công việc bếp núc còn giúp bé biết nấu ăn, phân biệt được nguyên liệu thực phẩm để có thể chăm sóc tốt nhất cho bản thân. Đây là một trong những bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình Và cũng là lý do mà đất nước Nhật luôn phát triển với một thế hệ trẻ có năng lực và tính tự lập cao.

hình vào bếp cùng bé
Vào bếp cùng bé còn khiến bữa cơm của cả nhà thêm niềm vui

Vậy các ba mẹ Việt đừng ngần ngại mà không cùng bé vào bếp để cùng nhau học nấu nướng. Điều này giúp bé rèn luyện đức tính tốt, học hỏi được nhiều điều thú vị và là thời gian để gia đình gắn kết với nhau hơn nữa đấy.

Điểm: 5 (20 bình chọn)

Tác giả: Mẹ Ku Tủn

Xin chào! Tôi là Mẹ Tủn ( 10/10/1995 ) - một người đam mê về ẩm thực, dinh dưỡng trẻ em. Tôi yêu thích viết và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Cảm ơn bạn!

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn